Chế độ bảo hiểm cho người khuyết tật

Ngày đăng: 15:32 - 15/07/2022 Lượt xem: 9535 Cỡ chữ

Theo thống kê cả nước hiện nay có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Chế độ bảo hiểm cho người khuyết tật được đặc biệt quan tâm, dưới đây là một số thông tin cần lưu ý để người khuyết tật được hưởng lợi ích tối đa.

người khuyết tật 1

Thông tin về chế độ bảo hiểm cho người khuyết tật.

1. Mức độ khuyết tật và chính sách cho người khuyết tật

Căn cứ theo Điều 2, Luật Người khuyết tật ban hành ngày ngày 17/6/2010 thì người khuyết tật được hiểu là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

 Có 3 mức độ khuyết tật sau đây:

  • Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

  • Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

  • Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Nhà nước ta đã có rất nhiều các chính sách nhằm tạo điều kiện giúp người khuyết tật phục hồi chức năng, có thể khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Trong số đó chính sách bảo hiểm y tế và chính sách trợ giúp xã hội mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người khuyết tật. 

2. Chế độ bảo hiểm cho người khuyết tật

Chế độ bảo hiểm cho người khuyết tật nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Hiện nay, ngoài các chính sách bảo trợ xã hội các chính sách khi tham gia BHXH vẫn chưa thực sự có nhiều ưu đãi.

2.1 Chế độ bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật 

Chế độ bảo hiểm xã hội là các chế độ đặc biệt được quy định dành riêng cho người lao động tham gia BHXH. Đối với người khuyết tật khi tham gia BHXH cũng sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như đối với người bình thường khác. Cụ thể:

Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội gồm:

  • Chế độ ốm đau

  • Chế độ thai sản

  • Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

  • Chế độ hưu trí

  • Chế độ tử tuất

Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội gồm:

  • Chế độ hưu trí 

  • Chế độ tử tuất

Tuy nhiên, do những đặc trưng về sức khỏe và khả năng lao động, khi hưởng một vài chế độ bảo hiểm xã hội người khuyết tật ở mức độ nặng ưu tiên hơn so với người lao động thông thường. Ví dụ có thể được về hưu sớm so với tuổi thông thường. 

2.2 Chế độ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật

Chế độ bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật có những quy định đặc biệt. Theo đó, mức hưởng bảo hiểm y tế của người khuyết tật sẽ phụ thuộc vào mức độ khuyết tật. 

Cụ thể, theo Luật Bảo hiểm y tế quy định người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng. 

Tại Điều 9, Nghị định 136/2013/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được cấp thẻ BHYT gồm người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng. 

người khuyết tật 2

Chế độ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật.

Cụ thể về mức độ khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật được quy định tại Điều 3 và Khoản 1, Khoản 3, Điều 4, Nghị định 28/2012/NĐ-CP như sau:

  • Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc, suy giảm từ 61% – 80%.

  • Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn, suy giảm 81% trở lên.

Đối với người khuyết tật nhẹ sẽ tham gia BHYT và hưởng các chế độ BHYT giống như những người bình thường. Cụ thể:

  • Khi khám chữa bệnh đúng tuyến được hưởng 100% mức hưởng của loại thẻ BHYT.

  • Trong trường hợp tự ý đi khám chữa bệnh không đúng tuyến mức hưởng là 40% chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và 100% tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tuyến tỉnh. 

2.3 Chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 5, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trong đó có người khuyết tật. Cụ thể:

“Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật”

Căn cứ theo quy định tại Điều 6, và Điều 4  Nghị định 20/2021/NĐ-CP mức trợ cấp hàng tháng được tính như sau:

Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp cho người khuyết tật hằng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:

  • Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;

  • Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;

  • Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;

  • Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

Lưu ý: Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp. 

Chế độ bảo hiểm cho người khuyết tật là một trong những sách hữu ích hỗ trợ người lao động kém may mắn giúp họ có thể hòa nhập cộng đồng. Đồng thời những hỗ trợ này có ý nghĩa tích cực góp phần ổn định an sinh xã hội. 

Tin tức cùng chuyên mục