Phụ cấp trách nhiệm là gì, có tính đóng bảo hiểm xã hội không

Ngày đăng: 15:33 - 15/04/2024 Lượt xem: 1406 Cỡ chữ

Rất nhiều người lao động khi làm việc có phụ cấp trách nhiệm. Vậy phụ cấp trách nhiệm là gì, có tính đóng bảo hiểm xã hội không? Những thông tin được chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn. 

1. Phụ cấp trách nhiệm là gì?

Phụ cấp trách nhiệm được người sử dụng lao động sử dụng nhằm khuyến khích động viên nhân viên người lao động làm việc chăm chỉ, cẩn thận hay người lao động có sự cầu tiến trong công việc. Theo đó thu hút người lao động nhiều hơn, thức đẩy sự cầu tiến trong công việc, giúp doanh nghiệp xây dựng một đội ngũ nhân viên chủ động và cùng hướng về mục tiêu chung.

Phụ cấp trách nhiệm là gì.

1.1 Phụ cấp trách nhiệm là gì

Trên thực tế chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa về phụ cấp trách nhiệm. Tuy nhiên, thông qua các văn bản liên quan và đề cập đến phụ cấp trách nhiệm có thể hiểu như sau:

Phụ cấp trách nhiệm là khoản tiền được người sử dụng lao động trả cho người lao động khi vừa thực hiện công việc chuyên môn vừa nhận trách nhiệm quản lý (dù người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo) hoặc người làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao nhưng điều này chưa được tính vào lương. Phụ cấp trách nhiệm thường sẽ được chi trả cùng kỳ nhận lương hàng tháng và được đề cập đến trong hợp đồng lao động.

1.2 Các loại phụ cấp trách nhiệm phổ biến hiện nay

Các loại phụ cấp trách nhiệm phổ biến hiện nay thường được các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng như:

  • Phụ cấp chức vụ: Được trả cho người đang giữ các vị trí quan trọng hoặc có trách nhiệm lớn trong tổ chức như giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng…

  • Phụ cấp quản lý: Dành cho những người đảm nhận vai trò quản lý, có thể là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận hay trưởng nhóm… hoặc người có trách nhiệm lãnh đạo nhóm.

  • Phụ cấp trách nhiệm: là phụ cấp dành cho người có trách nhiệm cao ở các lĩnh vực quan trọng. Ví dụ như: quản lý dự án, quản lý chất lượng, quản lý an toàn… 

  • Phụ cấp hiệu suất: Dựa trên hiệu suất làm việc của nhân viên, phụ cấp này thường được đánh giá thông qua đánh giá viên hoặc các tiêu chí đặc biệt.

  • Phụ cấp giờ làm thêm: Dành cho những người làm thêm giờ làm việc ngoài giờ làm việc chính.

  • Phụ cấp nguyên vật liệu: Dành cho những người làm việc trong môi trường cần sử dụng nguyên vật liệu đặc biệt, chẳng hạn như những người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu.

Các loại phụ cấp trách nhiệm có thể được quy định và tính theo đặc điểm từng đơn vị, doanh nghiệp. Chính sách về phụ cấp trách nhiệm có thể thay đổi để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đơn vị, doanh nghiệp đó.

2. Cách tính phụ cấp trách nhiệm

Phụ cấp trách nhiệm được tính căn cứ theo quy định của từng đơn vị, doanh nghiệp. Ngoài ra, cách tính phụ cấp trách nhiệm còn phụ thuộc vào đơn vị doanh nghiệp đó là đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân. 

Hiện nay đang có 4 mức tính phụ cấp trách nhiệm công việc, theo lần lượt là 0.5, 0.3, 0.2 và 0.1 dựa trên mức lương tối thiểu chung. 

Đối với các doanh nghiệp, đơn vị của nhà nước, sẽ có cách tính phụ cấp trách nhiệm công việc như sau: 

Mức hưởng phụ cấp = Hệ số phụ cấp trách nhiệm x Mức lương cơ sở

Ví dụ: 

Người lao động làm việc tại một đơn vị nhà nước được hưởng lương và phụ cấp trách nhiệm.

  • Mức lương cơ sở hiện là 1.800.000 đồng.

  • Người lao động có hệ số phụ cấp 0,2. 

Như vậy, số tiền phụ cấp trách nhiệm mỗi tháng của người lao động là:  1.800.000 x 0,2 = 360.000 đồng.

3. Phụ cấp trách nhiệm có tính đóng BHXH không

Phụ cấp trách nhiệm có tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không là thắc mắc của nhiều người lao động. Trên thực tế, phụ cấp trách nhiệm tùy vào từng trường cụ thể. 

3.1 Phụ cấp trách nhiệm đối với người lao động có tiền lương do nhà nước quyết định 

Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau:

"Điều 6. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Tiền lương do Nhà nước quy định

1.1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại điểm này bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương."

Phụ cấp trách nhiệm được tính vào tiền lương đóng bảo hiểm xã hội

Theo quy định trên, phụ cấp trách nhiệm của người lao động do nhà nước trả lương được tính vào tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội. Do được tính vào lương đóng BHXH hàng tháng nên mức hưởng chế độ BHXH tính theo lương của người lao động có phụ cấp trách nhiệm cũng cao hơn.

3.2 Phụ cấp trách nhiệm đối với người lao động có tiền lương do đơn vị quyết định

Căn cứ theo quy định tại Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 6, Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thì:

“2. Tiền lương do đơn vị quyết định

2.1. Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về HĐLĐ, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

Phụ cấp lương theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

2.2. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điểm 2.1 Khoản này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.“

Như vậy, từ ngày 1/1/2018 trở đi phụ cấp trách nhiệm đối với người lao động có tiền lương do đơn vị quyết định được tính làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. Khoản trợ cấp trách nhiệm này cần được ghi rõ trong hợp đồng lao động trường hợp không ghi rõ thì ghi cách tính cụ thể.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp người lao động có khoản phụ cấp trách nhiệm hiện nay lại không nằm trong khoản tiền lương tính đóng BHXH do việc hạch toán phụ cấp không được ghi trên hợp đồng lao động, không phải là khoản cố định thường xuyên hoặc khoản phụ cấp này được hạch toán thành các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. 

Qua tìm hiểu về phụ cấp trách nhiệm là gì, có tính đóng bảo hiểm xã hội không, người lao động và người sử dụng lưu ý các vấn đề liên quan. Theo đó, có thể phân bổ nguồn tiền hợp lý và tính toán mức tiền làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Thu Hương

Tin tức cùng chuyên mục